
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XÃ HỘI HOÁ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở VIỆT NAM
1.1. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XÃ HỘI HOÁ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ Ở VIỆT NAM
1.1.1. Yếu tố chính trị ảnh hưởng đến xã hội hoá thi hành án dân sự
Ở Việt Nam, mặc dù Nhà nước là cơ quan quản lý nhưng việc đề ra các chủ trương, đường lối và quyết định những vấn đề nhân sự cao cấp trong bộ máy của các cơ quan Nhà nước lại phụ thuộc khá nhiều vào chế độ chính trị và vai trò của Đảng. Thời kỳ hội nhập quốc tế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng trở nên cấp thiết, đứng trước sự chậm trễ đổi mới của bộ máy nhà nước nói chung, các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp nói riêng, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra và quyết tâm thực hiện mục tiêu, phương hướng đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, với tầm nhìn chiến lược về cải cách đồng bộ cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp. Một trong những quan điểm chỉ đạo là cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác tư pháp với yêu cầu“nghiên cứu việc XHH một số hoạt động bổ trợ tư pháp” để phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng cơ chế để người dân tự xác lập chứng cứ tự bảo vệ mình trong các quan hệ dân sự, và trong giải quyết tranh chấp; tạo thêm cho người dân quyền lựa chọn khi yêu cầu thi hành bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, góp phần giảm nhẹ công việc cho Toà án và cơ quan nhà nước khác trong việc xử lý đúng và kịp thời những mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân, nâng cao vị thế của cơ quan tư pháp trong xã hội.
Tiếp đó, năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành đồng thời 02 nghị quyết lịch sử đặt nền tảng chính trị- pháp lý cho công cuộc cải cách hệ thống pháp luật và bộ máy lập pháp, hành pháp và tư pháp Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, đó là Nghị quyết số 48-NQ/TƯ ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Mục tiêu của chiến lược cải cách tư pháp là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.
Như vậy, có thể khẳng định Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết 49- NQ/TW là cơ sở quan trọng để các cơ quan Nhà nước ban hành nhiều văn bản để thực hiện chủ trương XHH và sự hình thành cũng như tái lập chế định TPL tại Việt Nam là sự cụ thể hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước trong hoạt động THADS, bổ trợ tư pháp, đảm bảo sự độc lập và nâng cao hiệu quả xét xử của Tòa án, đồng thời trao cho người dân quyền tự do lựa chọn phương tiện, công cụ hợp pháp để tự bảo vệ mình trong các quan hệ pháp lý, cũng như tự do lựa chọn TPL hay cơ quan THADS để tổ chức thi hành bản án, quyết định của toà án. Việc XHHTHADS không chỉ đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, đáp ứng được xu thế phát triển của xã hội trong tương lai, mà còn là sự kế thừa truyền thống pháp lý của dân tộc.
1.1.2. Yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến xã hội hoá thi hành án dân sự
Là một yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng, pháp luật có mối quan hệ mật thiết với điều kiện kinh tế - xã hội là yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng. Về lý luận, trong mối quan hệ biện chứng tác động qua lại thì điều kiện kinh tế - xã hội đóng vai trò quyết định đến pháp luật. Ngược lại, pháp luật cũng có ảnh hưởng ngược trở lại đối với sự vận động và phát triển kinh tế - xã hội.
XHHTHADS vừa là kết quả, vừa là yếu tố phản ánh những yêu cầu khách quan của phát triển kinh tế - xã hội. Hay nói cách khác, chính điều kiện kinh tế - xã hội đặt ra những yêu cầu cũng như thể hiện khả năng cho việc thực hiện XHHTHADS. Điều kiện kinh tế - xã hội càng phát triển, nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ công ngày càng cao hơn cả về số lượng và chất lượng. Người dân mong muốn được sử dụng các dịch vụ công để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Đồng thời, dịch vụ công cũng tạo ra cơ hội việc làm, tạo thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ công trên cơ sở pháp luật cho phép thực hiện. Chính vì lẽ đó, trong bối cảnh nguồn nhân lực còn hạn chế, Nhà nước không nhất thiết phải trực tiếp thực hiện tất cả các dịch vụ công, vừa quá tải vừa không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân. Nhà nước chỉ nên trực tiếp thực hiện một số loại dịch vụ công quan trọng và dần chuyển giao những công việc còn lại cho tổ chức, cá nhân thực hiện, đồng thời có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ chất lượng của việc cung ứng các dịch vụ này.
XHHTHADS được hiểu là việc chuyển giao một phần những công việc mà Nhà nước không nhất thiết phải trực tiếp thực hiện cho tổ chức, cá nhân tư nhân. Tuy nhiên, THADS là hoạt động phức tạp và điều kiện kinh tế - xã hội luôn là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình THADS, nhất là đối với người được thi hành án và phải thi hành án. Kinh tế khó khăn thường gây nên sự căng thẳng, thúc giục hay phản kháng đối với việc THADS từ phía đương sự, kể cả những cá nhân khác liên quan đến thi hành án. Còn đối với cơ quan THADS, tình trạng án dân sự tồn đọng năm này qua năm khác, thiếu nguồn nhân lực luôn là nỗi “ám ảnh” của CHV. Do đó, việc XHHTHADS, với sự tham gia của cá tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước vào quá trình THADS là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng cũng như xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, nền kinh tế thị trường đã dần được hình thành tạo cơ hội cho đầu tư của cá nhân, tổ chức tham gia vào quá trình XHH. Hệ thống pháp luật cũng đã được xây dựng và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, trình độ dân trí của người dân cũng ngày càng nâng cao, cơ sở pháp lý cho việc XHHTHADS cũng đã được ban hành và bước đầu phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, pháp luật về XHH của mỗi quốc gia có nền kinh tế - xã hội khác nhau sẽ là khác nhau, vì vậy, để có thể phát triển thành công mô hình XHH thì đòi hỏi pháp luật cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, không hấp tấp, vội vã hay cao bằng gây ảnh hưởng đến quá trình XHH. Chính vì vậy, việc thường xuyên rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung pháp luật nói chung và pháp luật về XHHTHADS nói riêng cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội là hoàn toàn cần thiết, có cơ sở.
1.1.3. Yếu tố dân trí, ý thức pháp luật ảnh hưởng đến xã hội hoá thi hành án dân sự
Hiệu quả XHHTHADS chịu sự ảnh hưởng của trình độ dân trí, ý thức pháp luật trong xã hội, ý thức của các bên đương sự, của Cơ quan THADS cũng như các tổ chức, cá nhân có chức năng phối hợp thực hiện. Nếu như những chủ thể này có trình độ dân trí cao, ý thức pháp luật cao, tâm lý tin vào những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước thì sẽ nhận thức đúng được các quyền, nghĩa vụ của mình, thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước trao quyền THADS, từ đó tích cực phối hợp thực hiện sẽ làm cho quá trình THADS được suôn sẻ, giảm thiểu được những tác động tiêu cực không đáng có.
Bên cạnh đó, những chủ thể được Nhà nước trao quyền để cung cấp các dịch vụ công trong THADS cũng cần phải nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được chuyển giao, có thái độ tích cực, cầu toàn, mang lại những dịch vụ tốt nhất cho người dân, tạo được niềm tin trong nhân dân và giảm tải áp lực cho cơ quan THADS. Đối với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan, cần nhận thức đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình trong THADS khi được cơ quan THADS hay tổ chức, cá nhân được trao quyền yêu cầu, đề nghị phối hợp thi hành án, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình THADS. Thực tiễn có những trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi được yêu cầu phối hợp THADS đã có những hành vi trì hoãn, cố tình không thực hiện theo yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền gây khó khăn rất nhiều cho công tác THADS nói chung và quá trình XHHTHADS nói riêng, gây mất niềm tin của nhân dân và ảnh hưởng đến uy tín của chủ thể được trao thẩm quyền THADS.
1.1.4. Trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức của người làm công tác thi hành án dân sự
Trong công tác THADS, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác THADS có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian vừa qua, trình độ, điều kiện, tiêu chuẩn của những người làm công tác THADS ở Việt Nam đã được nâng lên một cách đáng kể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn tư pháp nói chung và hoạt động THADS nói riêng. Có thể thấy, những người làm công tác THADS là những người có thẩm quyền trong việc ra quyết định THA, tổ chức THA, tống đạt các văn bản, giấy tờ THA và có thẩm quyền cưỡng chế THA. Với những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó, yếu tố chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức của đội ngũ làm công tác THADS có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ công lý, mang lại sự công bằng, đảm bảo sự ổn định, phát triển của xã hội.
Để đảm bảo cho hoạt động THADS đúng quy định của pháp luật và đạt hiệu quả cao thì đội ngũ làm công tác THADS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bằng phẩm chất chính trị, đạo đức, trí tuệ, trình độ hiểu biết về pháp luật và xã hội, mức độ thành thạo, chính xác khi sử dụng pháp luật cũng như sự tận tâm, trách nhiệm với nghề giúp vụ việc THA được khách quan, đúng pháp luật. Việc XHHTHADS đang triển khai trong giai đoạn hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa Cơ quan THADS của Nhà nước và đội ngũ THA tư nhân là điều không tránh khỏi. Trong khi đó, đội ngũ Chấp hành viên của Nhà nước cũng đã quen với sự bao cấp của Nhà nước, gắn bó với các đặc quyền, đặc lợi của công chức nhà nước; có tâm lý không muốn hoặc chưa sẵn sàng từ bỏ các đặc quyền, đặc lợi để bước vào môi trường hành nghề tự do với sức ép của cạnh tranh, của sự đào thải trong nền kinh tế thị trường. Còn đối với đội ngũ TPL thì tính chuyên nghiệp hóa trong hoạt động THADS chưa cao, chất lượng đội ngũ TPL còn hạn chế, một số TPL làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản về nghề TPL, do đó, chưa đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường, chưa thật sự phát huy vai trò trong đời sống xã hội. Chính vì lẽ đó, pháp luật cần quy định các điều kiện cụ thể về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đối với đội ngũ này, tránh tình trạng yếu kém về năng lực chuyên môn gây ra sai phạm trong quá trình THA hoặc cố tình sách nhiễu gây phiền hà cho dân.
Theo: Nguyễn Thị Tuyền
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1o8ol9cRXHH06CrKDNCNrzIavPSRrtbvF/edit?rtpof=true
